Newsletter subscription
To register / To login

Sites pays et partenaires

Membres :
0 200 500 1000 2000 5000 10000+
News
Share with :

Mối quan tâm của các cựu du học sinh Pháp đến nông nghiệp hữu cơ

11 December 2017 Business
View 237 times

Sáng ngày 10/12/2017, France Alumni Vietnam trực thuộc Đại sứ quán Pháp và Hội cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp (UAVF) đã tổ chức buổi Café Alumni chủ đề Nông nghiệp hữu cơ trong vườn Đại sứ quán Pháp. Đây là chuỗi sự kiện dành riêng cho các cựu sinh viên Việt Nam tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo của Pháp, mỗi buổi Café là dịp gặp gỡ để thảo luận theo chuyên đề : Du lịch, Kiến trúc-Xây dựng, Công nghệ thông tin, Kỹ sư, Nghệ thuật, Y-Dược, Kinh tế, Truyền thông/Báo chí…

Khách mời của Chương trình lần này là ông Alexandre Bouchot - Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Pháp; Ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng thường trực - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện nông nghiệp hữu cơ và Bà Bùi Hằng Phương - Phóng viên báo Nhân dân, Chuyên gia nghiên cứu về Nông nghiệp và năng lượng xanh. Buổi giao lưu đón nhận sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, các viện nghiên cứu cùng các cựu du học sinh Pháp đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc quan tâm tới việc đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ.

Những chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Toản đã giúp người tham gia có được cái nhìn bao quát về thực trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, đặc biệt là các bước phát triển của Chính sách về nông nghiệp hữu cơ trong đó có việc Chính phủ Việt Nam đang tích cực xây dựng và chuẩn bị ban hành Nghị định về nông nghiệp hữu cơ và tiêu chuẩn quốc gia mới về nông nghiệp hữu cơ trong năm nay và Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025. Ông Toản đã chia sẻ rất cởi mở về những trăn trở trong công tác hoạch định chính sách: Tuy việc phát triển nông nghiệp hữu cơ mang tính nhân văn cao, không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm mà còn thân thiện với môi trường, quan tâm tới phúc lợi xã hội, và bảo vệ tài nguyên bền vững. Những gì chúng tôi làm hôm nay, chắc phải 10 năm nữa xã hội mới hiểu và mới cảm nhận được. Nông nghiệp hữu cơ là một lĩnh vực mới ở Việt Nam, có quá nhiều điều phải làm, phải nghĩ, thậm chí nhiều tư duy cơ bản về nông nghiệp hữu cơ cũng còn đang trong vòng tranh luận.

Một mô hình thúc đẩy đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ được ông Toản trích dẫn theo các mô hình đã thành công trên thế giới là thành lập các không gian riêng cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các siêu thị. Các sản phẩm bán tại đây có giá cao hơn và được quản lý theo quy chuẩn riêng, hướng tới những khách hàng thông minh và sẵn sàng chi trả.

Theo ông Alexandre BOUCHOT - Tham tán Nông nghiệp Pháp, nông nghiệp hữu cơ là vấn đề thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Xuất phát từ khu vực Âu-Mỹ và các nước phát triển, hiện nông nghiệp hữu cơ đã phát triển lan tỏa tới các nước đang phát triển. Hiện 1% đất canh tác toàn thế giới đã dùng cho nông nghiệp hữu cơ, trong đó 40% tập trung tại Australia. Ở Pháp chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của nông nghiệp hữu cơ, với diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 2% lên 6%. Một số quốc gia cũng cam kết nỗ lực phát triển nông nghiệp hữu cơ ví dụ như Bhutan dự kiến 100% diện tích canh tác sẽ là hữu cơ vào năm 2020. Việt Nam hiện nay với dân số đông gần 100 triệu người, thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính phủ. Việt Nam là một trong 18 quốc gia đang xây dựng quy định quản lý nông nghiệp hữu cơ.

Trên thế giới hiện nay có rất nhiều tiêu chuẩn công và tư trong nông nghiệp hữu cơ cùng các hình thức chứng nhận bên thứ ba và các hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS). Ông Bouchot chia sẻ: Tại Pháp, chi phí cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong một số ngành hàng không cao hơn đáng kể so với sản xuất truyền thống, tuy nhiên chi phí chứng nhận bên thứ ba lại rất lớn. Do vậy phương thức đảm bảo có sự tham gia của các bên (hợp tác xã hoặc nhóm sản xuất, hội người tiêu dùng, viện nghiên cứu) được ủng hộ. Sắp tới, Việt Nam cũng sẽ cần cân nhắc về việc công nhận và quản lý các hệ thống này.

Hiện Pháp và Việt Nam đang có nhiều chương trình hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt thông qua Chương trình hỗ trợ tri thức từ Bộ Nông nghiệp Pháp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam, Chính phủ Pháp sẽ tham gia tích cực vào Diễn đàn Nông nghiệp hữu cơ quốc tế sắp tới đây tại Hà Nội và tham gia đề án phát triển mô hình chợ đầu mối đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Cường từ Viện nông nghiệp hữu cơ cho biết việc thực hiện nông nghiệp hữu cơ thực ra không hề khó và cũng không hề đắt nếu so với giá trị sản phẩm nhận lại. Tuy nhiên điều này chỉ được thực hiện khi người dân có tri thức, được truyền thông đầy đủ về lợi ích, được kết nối đảm bảo đầu ra, được hướng dẫn sử dụng các công nghệ canh tác hữu cơ. Nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng đều gặp phải vấn đề thiếu thông tin và thiếu sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Bản thân Viện nông nghiệp hữu cơ đang thực hiện Chương trình tư vấn miễn phí cho các hộ nông dân để đạt đủ chuẩn và có chứng chỉ hữu cơ, hướng dẫn hộ gia đình và doanh nghiệp kết nối với Trung ương Hội nông dân Việt Nam để đảm bảo các đầu ra theo chuỗi vừa và nhỏ.

Bà Bùi Hằng Phương là người biên soạn cuốn sách về Năng lượng sinh khối cho nhà nông cảm ơn France Alumni Vietnam và Đại sứ quán Pháp đã tài trợ cho cuốn sách. Bà giới thiệu về cuốn sách trong đó lựa chọn ra ba loại hình công nghệ năng lượng thích ứng với nông nghiệp gồm công nghệ biogas, công nghệ khí hóa sinh khối và công nghệ ép than củi trấu. Tại buổi café, bà Phương cũng đã giới thiệu tới mọi người sản phẩm bánh chưng Nương Bắc là đặc sản từ gạo Điện Biên và lợn chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ, đây là loại bánh cổ truyền dùng trong dịp Tết của người Việt.

Trong suốt buổi café, các khách mời đã sự chia sẻ cởi mở và trao đổi các góc nhìn, kinh nghiệm và mối quan tâm giữa các bên về chính sách quản lý và thực trạng, thị trường nông sản hữu cơ tại Việt Nam và quốc tế.

 

 




Comments

Vous devez être connecté pour laisser un commentaire. Log in